Tình hình xuất khẩu thuỷ sản tháng 9-2023

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Nhiều thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý cuối cùng của năm.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tháng 9/2023, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, XK thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ 2022.

Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. XK các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.

Tính tới hết tháng 9/2023, XK tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả XK trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và XK sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Theo phân tích của bà Lê Hằng, XK cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. XK cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ… xTrong tháng 9/2023, XK sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự như tôm, XK cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng XK cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.

Tới hết tháng 9/2023, XK thủy sản sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – Hồng Kông mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với trị giá gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9, XK thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. XK sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp XK thủy sản quy mô lớn, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, XK của doanh nghiệp đã có sự tiến triển, nhất là 2 tháng gần đây, khi mức độ giảm sút so với năm 2022 được thu hẹp dần, đến hết tháng 8 còn giảm 19,8% so cùng kỳ năm 2022. Xu thế này còn giữ vững, khả năng cuối năm, biên độ này thu hẹp còn khoảng 10%.

Đánh giá hoạt động năm 2023, ông Lực cho rằng, hoạt động XK năm nay không thuận lợi, từ đó có giảm sút so với năm trước nhưng so toàn ngành vẫn còn giữ vị thế khá tốt.

Hiện nay, XK thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Nhiều thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, có thể XK thủy sản năm 2023 dự báo sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.

Tập trung cho xuất khẩu nông lâm thủy sản trong các tháng cuối năm

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 tổ chức sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, toàn ngành tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%.

Cùng với đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng cũng đạt cao, khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Ngành đảm bảo an ninh lương thực, thị trường xuất khẩu có tín hiệu tốt, nhất là trong tháng 9, xuất khẩu gỗ đã tăng trở lại, ngành thủy sản chỉ giảm nhẹ.

Tinh chung tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm thuỷ sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.

Theo nhận định, từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn.

Cụ thể, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng giá trị ngành hàng rau quả những tháng cuối năm vẫn là sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang “một mình một chợ” ở Trung Quốc khi nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia… không còn nhiều do hết vụ thu hoạch. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể đạt trên 5 tỷ USD.

Trong khi đó, gạo Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo vào RCEP đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong các thị trường thuộc RCEP, Philippines, Trung Quốc, Indonesia đang là 3 đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục nhưng an ninh lương thực trong nước vẫn hoàn toàn được đảm bảo.

Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%; châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, với kết quả xuất khẩu nói trên, trong 3 tháng còn lại của năm, nếu mỗi tháng ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 5 tỷ USD thì cả năm sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD, đúng mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 3,4 – 3,5% hoàn toàn khả thi, quan trọng nhất là tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu 54 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các Cục Trồng trợ và Cục Bảo vệ thực vật phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch khác; đồng thời đảm bảo dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh dư thừa không tiêu thụ được. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu… Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), HIệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Các giải pháp tập trung trong lĩnh vực trồng trọt là theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023; đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.

Đối với chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn… trên các đối tượng vật nuôi.

Ngành thủy sản tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu trong tháng 10.

Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo ứng phó kịp thời, hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão tại các tỉnh miền Trung; tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ; ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…