Những thách thức và khó khăn của xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đối mặt và vượt khó trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế

Xuất khẩu cá tra (hay còn gọi là basa) đã và đang góp phần quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những thách thức và khó khăn mà ngành này đang phải đối mặt, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Theo VASEP, có 3 nguyên nhân lớn nhất khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị từ đầu năm tới nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ nhất, lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và NK tại các thị trường giảm

Thứ hai, cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ…

Thứ ba, sức khỏe và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp thủy sản suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vay vốn để duy trì sản xuất – xuất khẩu…

Những thách thức và khó khăn của Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đối mặt

Biến động thị trường và giá cả đầu vào tăng cao đang tác động mạnh đến hoạt động của ngành thủy sản Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đơn hàng xuất khẩu đã giảm 20 – 50%, lượng tồn kho tăng cao. Nguyên nhân chính là do các thị trường tiêu thụ lớn nhất như Mỹ, châu Âu giảm tiêu thụ do tác động của lạm phát toàn cầu.

Tôm là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng trong quý I chỉ đạt 600 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ. Trong đó thị trường Mỹ giảm hơn 40%.

Thị trường giảm nhu cầu, nhưng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm thủy sản của Việt Nam rất khó cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.

“Các nước đều có chính sách về giảm thuế nguyên, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm. Họ sản xuất với giá thành thấp, nên nếu chúng ta không có giải pháp thì giá thành sản xuất tôm khó cạnh tranh”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá.

Tình hình thực tế thị trường xuất khẩu cá tra 7 tháng của năm 2023

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tính đến hết 15/7/2023, XK cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7, XK cá tra đạt 70 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính XK cá tra 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1 tỷ USD.
Các thị trường Trung Quốc & HK và Mỹ đang có những tín hiệu tích cực hơn. Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, bà con và người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì XK cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD.

Tính đến hết 15/7/2023, XK cá tra sang Trung Quốc & HK chiếm 32% tỷ trọng, kim ngạch đạt 301 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Nửa đầu tháng 7, thị trường này NK hơn 20 triệu USD cá tra Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc & HK có thể đạt đạt 337 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau Trung Quốc & HK, Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 về NK cá tra Việt Nam. Nước này đã NK gần 150 triệu USD cá tra từ Việt Nam tính đến hết 15/7/2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng. XK cá tra sang thị trường này 7 tháng đầu năm nay có thể đạt 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & HongKong đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc & HK luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc & HK duy trì tăng trưởng cao nhất.

Tính đến hết 15/7/2023, khối thị trường CPTPP và EU vẫn duy trì đứng thứ 3 và 4 về NK cá tra Việt Nam khi giá trị XK đạt lần lượt là 125 triệu USD (giảm 37%) và 96 triệu USD (giảm 21%) so với cùng kỳ năm 2022. Singapore và Đức vẫn là các điểm sáng khi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương 3% và 32% trong khi hầu hết các thị trường đơn lẻ đều giảm NK cá tra.

XK cá tra trong nửa đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới, tác động lạm phát giá thực phẩm cũng như chiến tranh Nga-Ukraine. Nửa cuối năm 2023, tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp XK cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn.

Các nước Trung Đông như các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hay Ả Rập Xê Út, các nước có nền kinh tế dầu mỏ khí đốt này được xác định sẽ là thị trường tiềm năng năm 2023 khi có giao thông đường biển, đường thủy và đường hàng không rất thuận tiện. Mặc dù có tăng trưởng chậm lại do lạm phát, nhưng kinh tế khu vực này vẫn ở mức ổn định do những cơ hội thu lợi nhuận từ căng thẳng của chiến sự Nga – Ukraine. Nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước “hai đại dương, ba châu lục, năm biển” này không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác.

Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam – UAE đang hướng đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) trong thời gian sớm nhất. Kỳ vọng rằng, XK cá tra Việt Nam sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần và ghi dấu ấn tại thị trường này cũng như các thị trường khu vực Trung Đông.