Dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8%

ĐBSCL Mục tiêu năm 2024, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

Xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD

Ngày 15/12, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022 là năm bứt phá trong hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng đối mặt với không ít khó khăn. Mặc dù các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và bộ, ngành trung ương đã nỗ lực cùng nhau giải quyết các khó khăn khách quan đến từ thị trường nhập khẩu và bất ổn chính trị, nhưng kết quả sản xuất không như mong đợi. Hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng tồn kho cao của các nhà bán lẻ, thị trường ngày càng khó khăn.

Ước cả năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha, sản lượng cá tra khoảng 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm. Trong đó Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%. Thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đây là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, nguyên nhân sụt giảm của ngành hàng cá tra năm 2023 do bất ổn chính trị và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn.

Một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm cá tra còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn.

Trong khi đó, chi phí thức ăn còn chiếm tỷ trọng lớn từ 70 – 80% trong giá thành sản xuất cá tra. Một số cơ sở sản xuất giống nhưng chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ, vẫn xảy ra tình trạng chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp. Vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định…

Tính đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Cục Thủy sản, hiện nay Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm, họ cũng đã xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Bên cạnh đó, Trung Quốc và Bangladesh cũng đã bắt đầu nuôi được cá tra, từ đó đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh của con cá tra Việt Nam.

Dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8%

Tại hội nghị, Cục Thủy sản dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.

Trước tình hình đó, ngành thủy sản cần sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe, các điều kiện nuôi không còn thuận lợi như trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như giải quyết những khó khăn nội tại về chất lượng giống, thức ăn và thực thi các quy định của pháp luật về thủy sản.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Mục tiêu năm 2024, dự kiến diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng cá tra theo nhu cầu thị trường.

Bộ NN-PTNT đưa ra mục tiêu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tiếp tục bổ sung, thay thế đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống theo nhu cầu, bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất.

Kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường.

“Sản lượng nuôi cá tra của chúng ta cao rồi, mật độ cao rồi, năng suất cao rồi. Vì thế để thoát ra khỏi khó khăn thì không còn cách nào khác là phải nâng cao sức cạnh tranh, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Như vậy, chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi trong quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, trong điều hành sản xuất, xúc tiến thương mại, điều chỉnh thay đổi cơ cấu về thị trường.

Đặc biệt trong khoa học công nghệ, bên cạnh việc quan trắc môi trường, đảm bảo an toàn sinh học, chú trọng công tác phòng bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc, quản lý chặt về thức ăn…

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất cá tra, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến, tận dụng các phụ phẩm như đầu, xương, tiết… nhằm nâng cao sức cạnh tranh, cho dù hiện nay có nhiều nước có thể nuôi được cá tra”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.