Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu kỷ lục với 24,59 tỷ USD

Tính trong 10 tháng năm 2023, nước ta xuất siêu kỷ lục với 24,59 tỷ USD, gấp 2,6 lần so với con số 9,56 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 10 (16-31/10) đạt 34,51 tỷ USD, tăng 27,7% (tương ứng tăng 7,49 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 10/2023.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng lên 558,33 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 59,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ 2 tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,02 tỷ USD, tăng 27% (tương ứng tăng 3,83 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 10/2023. Các nhóm hàng tăng mạnh như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; hàng dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép các loại…

Hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 291,46 tỷ USD, giảm 7%, tương ứng giảm 22,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 10 đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28,5% (tương ứng tăng 3,66 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2023. Nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dầu thô; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất…

Hết tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 266,87 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 37,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,52 tỷ USD. Như vậy, tính trong 10 tháng, nước ta xuất siêu 24,59 tỷ USD, gấp 2,6 lần so với con số 9,56 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Theo đó, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đều giảm thì xuất khẩu sang các nước châu Phi, Ðông Âu, Bắc Âu, Tây Á vẫn tăng.

Ông Ðỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin: Bộ Nông nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch mua lượng lớn phi lê cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Ngày 31/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, xác định mức thuế chống bán phá giảm mạnh so với kỳ rà soát trước đó. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã tiến hành thanh tra về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam với kết quả khả quan, chỉ ghi nhận một số lỗi nhỏ không mang tính hệ thống. Ðây là những tín hiệu tốt đối với triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ thời gian tới.

Trên bình diện rộng hơn, tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn chờ chực, khiến lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Mặt khác, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan; cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra. Nhằm tiếp sức cho xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, đang phục hồi tốt như Mỹ và Trung Quốc.

Theo đó, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các bên liên quan nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới.

Ngoài ra, bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, song song với việc nhanh chóng hoàn tất và đưa vào thực thi hiệp định thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Theo Bảo Ngọc

Công thương

https://congthuong.vn/can-can-thuong-mai-tiep-tuc-xuat-sieu-ky-luc-voi-2459-ty-usd-285381.html

Xúc tiến thương mại có những khởi sắc ở những tháng cuối năm

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng trưởng dương trong 10 tháng qua cho thấy tín hiệu tích cực của các thị trường xuất khẩu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023, đòi hỏi ngành Công Thương và doanh nghiệp cần chú trọng khơi thông các thị trường mới.

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 10/2023 đã khởi sắc trở lại, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9/2023. Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 291,2 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong 10 tháng qua, có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 44,02 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 35,51 tỷ USD; hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD; giày dép đạt 16,05 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam là nhóm hàng nông sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 26,7 tỷ USD, tăng trưởng 3,8% trong 10 tháng qua. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng ấn tượng như: rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là mặt hàng gạo với sản lượng 7,1 triệu tấn, đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, độ mở kinh tế lớn khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ sự thay đổi của kinh tế toàn cầu. Rõ rệt nhất là việc các nền kinh tế lớn, đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

“Hoạt động xuất khẩu trong hai tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm là những tín hiệu khả quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” – ông Trần Thanh Hải dự báo.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các thị trường xuất khẩu nói chung, nhất là thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa vẫn đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại.

Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2023 đạt 7,1 triệu tấn, đạt gần 4 tỷ USD

Xuất khẩu cá tra lấy lại đà tăng

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện mặt hàng cá tra xuất khẩu có mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1,5 tỷ USD. Để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ hội cuối năm, hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu.

Đối với thị trường Trung Quốc, với lợi thế về địa lý, mặt hàng cá tra nước ta có thể cạnh tranh tốt hơn và đặc biệt có thể giành thị phần cao hơn bằng phân khúc thủy sản tươi sống, ướp lạnh cho tiêu thụ nội địa của thị trường tỷ dân này.

Kỳ vọng xuất khẩu cá tra cuối năm

Không chỉ các thị trường truyền thống, thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng phục hồi trở lại. Tuy xuất khẩu cá tra hiện tại vẫn chưa vượt qua hết các khó khăn nhưng đây cũng là tín hiệu triển vọng trong những tháng cuối năm.

Dù tuần đầu tháng 11 này, hoạt động xuất khẩu cá tra có phần trầm lắng. Nhưng các doanh nghiệp và Hiệp hội vẫn kỳ vọng thị trường sẽ ổn định trở lại trong những tháng tới đây.

Ông Phan Hoàng Duy – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho hay: “Kỳ vọng có thể hết tháng 11 qua tháng 12 sẽ có tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc. Còn thị trường lớn thứ 2 của ngành cá tra Việt Nam là thị trường Mỹ, họ có mùa vụ tiêu thụ thủy hải sản đặc biệt cũng là cá tra, thì khoảng đầu tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là mùa hội Len ở thị trường này, khi đó nhà nhập khẩu sẽ tranh thủ đợt này nhập khẩu. Công ty cũng hy vọng thị trường sẽ thay đổi và có nhiều chuyển biến tích cực”.

Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Hai tháng còn lại cũng có nhiều tín hiệu, đặt hàng đối với một số thị trường như Trung Quốc và Mỹ có tăng hơn những quý trước, nghĩa là tăng trưởng âm càng lúc càng giảm dần. Có tín hiệu tích cực đối với các thị trường xuất khẩu cuối năm này cũng như trong quý I/2024”.

Hiện tại, xuất khẩu cá tra có những gam sáng, đặc biệt là thị trường khối CPTPP. Theo thống kê của Hiệp hội cá tra Việt Nam, nhiều thị trường tăng trưởng dương 2 con số như Canada, Mexico, Nhật Bản, đạt mức từ 16% đến 75%.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để khơi thông thông thị trường, vực dậy ngành hàng cá tra, cần phải chú trọng nhiều mặt.

Ông Ong Hàng Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang cho rằng: “Thị trường CPTPP phải làm mạnh hơn về truyền thông để họ biết rõ hơn về con cá tra. Một điểm quan trọng nữa là chúng ta phải thay đổi cách nuôi, lai tạo con giống, nuôi mật độ thấp, phòng ngừa dịch bệnh để nó tăng trưởng nhanh, hạ được giá thành con cá tra để có thể cạnh tranh được tấc cả con cá thịt trắng khác”.

Sản phẩm cá tra nước ta được xuất khẩu sang hơn 150 thị trường trên thế giới với kim ngạch năm 2022 đạt 2,44 tỷ USD. Việc chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra đang kỳ vọng đưa ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay.

Cải thiện sản xuất để thuận lợi xuất khẩu cá tra

Trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả cạnh tranh, ngành hàng cá tra đang chú trọng nhiều giải pháp cải thiện chuỗi sản xuất nuôi trồng, chế biến cung ứng xuất khẩu. Đây là điều kiện tất yếu nhằm tận dụng thời cơ, khai thác tốt nhất tiềm năng xuất khẩu, ngành hàng thủy sản thế mạnh của vùng.

Dù có vùng nguyên liệu 300 ha và đầu tư luôn cả nhà máy chế biến thức ăn cho cá công suất 450 tấn/ngày, nhưng Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành vẫn chịu ảnh hưởng thiệt hại do xuất khẩu giảm mạnh. Với hy vọng thị trường có thể hồi phục, doanh nghiệp đang tập trung nỗ lực tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành xuất khẩu.

“Ban lãnh đạo quyết tâm rà soát lại tất cả các chi phí mà mình tiết giảm được, để cung cấp cho khách hàng với giá tốt cũng như chất lượng tốt”, ông Hàng Quốc Định – Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành nói.

Thống kê đến cuối tháng 10, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL hơn 5.300 ha. Con số này tăng gần gấp đôi so với diện tích nuôi mới của cùng kỳ năm ngoái. Một khi xuất khẩu thuận lợi khả năng vùng nuôi sẽ mở rộng thêm. Nhu cầu con giống chất lượng, đảm bảo đủ chuẩn quy định của các nước nhập khẩu càng được quan tâm hàng đầu.

Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay: “Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành như Viện nuôi trồng thủy sản 2, phối hợp với các Sở NN-PTNT các tỉnh làm sao triển khai và có đủ nguồn lực để đảm bảo sản xuất con giống đạt tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng cá tra của ĐBSCL”.

Quy định hàng hóa của các nước nhập khẩu cá tra đòi hỏi ngày càng cao trong chuỗi cung ứng từ cá giống cho tới quy trình chế biến đạt quy chuẩn an toàn, chất lượng. Nguồn cá giống tốt, sạch bệnh còn thiết thực nâng cao hiệu quả đầu tư. Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng cá tra sẽ càng phát huy tốt hơn.

Theo Ban Thời sự

VTV