XUẤT, NHẬP KHẨU VIỆT NAM-ASEAN: PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN ngày càng phát triển toàn diện và có tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế – xã hội và chính trị của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN đã có bước phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng nhảy vọt.

Năm đầu tiên hội nhập ASEAN, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN chỉ đạt mức khiêm tốn 3,5 tỷ USD. Đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng 12 lần, đạt 42 tỷ USD. Và đến năm 2019 tăng 16,5 lần, đạt 57,5 tỷ USD. Năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN tuy có sụt giảm nhưng vẫn đạt mức 53,6 tỷ USD, tăng 15,4 lần so với năm 1995, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,1 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN đạt 30,5 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập siêu của Việt Nam với khu vực này là 7,4 tỷ USD. Hiện nay, ASEAN đã trở đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sau các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.

Trước năm 2010, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN chủ yếu là các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo. Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện. Dệt may cũng là nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang ASEAN. Năm 2020, các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang ASEAN là: sắt thép 2,3 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 1,9 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 1,9 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 1,5 tỷ USD; gạo 1,4 tỷ USD; dệt may 1,4 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: điện tử, máy tính và linh kiện 4,6 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,7 tỷ USD; xăng dầu 1,9 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc 1,5 tỷ USD; chất dẻo 1,4 tỷ USD; điện gia dụng và linh kiện 1,2 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN ước tính đạt 40,8 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt giá trị 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%, nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%.

Nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng từ thị trường ASEAN ước tính tăng như: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 66,8%, đạt 1,6 tỷ USD; sắt thép tăng 24,5%, đạt 1,5 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 21,4%, đạt 2,9 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 102,3%, đạt 1,3 tỷ USD.

Các thị trường xuất, nhập khẩu chủ lực của Việt Nam và ASEAN là Thái Lan, Ma-lay-si-a, In-do-ne-si-a, Cam-pu-chia, Sin-ga-po. Trong 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với Thái Lan đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả khu vực; với Ma-lay-si-a đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 18,1%; với In-do-ne-si-a đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 15,9%; với Cam-pu-chi-a đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 14,5%; với Sin-ga-po đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 12%.

Tuy nhiên, điểm hạn chế trong thương mại hàng hóa với các nước ASEAN là Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu. Trong 10 năm gần đây, nhập siêu liên tục ở mức 6-7 tỷ USD, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu.

Việc gia nhập ASEAN đã tác động tích cực đến tăng trưởng mạnh mẽ của xuất, nhập khẩu Việt Nam. Với việc tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đàm phán ký kết Hiệp định Ưu đãi thuế quan của ASEAN (CPT), Việt Nam đã có nhiều ưu thế để tăng trưởng thương mại, kinh tế, đồng thời tạo động lực phát triển sản xuất – kinh doanh. ASEAN là một thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN rất thuận lợi do khoảng cách địa lý gần. Do đó, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều hàng hóa của Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới, đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động rất mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Do một số nước trong ASEAN có mức tương đồng cao về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận và tích cực tham gia vào quá trình dịch chuyển vốn trong nội khối ở những nhóm ngành hàng này và chủ động hợp tác với các nước ASEAN xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế ra thị trường thế giới.

Quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-ASEAN phát triển vượt bậc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 33,86 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm trước trong khi nhập khẩu đạt 47,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước.

Sau 28 năm gia nhập ASEAN, quan hệ kinh tế-thương mại của Việt Nam-ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trung bình khoảng 60 tỷ USD.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó xuất khẩu tăng từ 9,3 tỷ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỷ USD vào năm 2021.

Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ khối ASEAN, từ mức 14,5 tỷ USD năm 2010 lên 41,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng 26,6 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 33,86 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2021 trong khi nhập khẩu đạt 47,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,96 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước./.