Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Thụy Sỹ trong tháng 1/2024 với giá trị đạt 5,1 triệu USD.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thụy Sỹ là quốc gia không có biển nên nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng thủy sản tiêu dùng hàng năm. Mỗi năm Thụy Sỹ tiêu thụ 75.000 – 80.000 tấn thủy sản các loại.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng và chế biến thủy sản của Thụy Sỹ chỉ đạt khoảng trên 3.000 tấn/năm. Số lượng còn lại Thụy Sỹ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tháng 1/2024, nhập khẩu thủy sản của Thụy Sỹ đạt gần 70 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Thụy Sỹ chủ yếu nhập khẩu thủy sản từ các nước châu Âu như Na Uy, Pháp, Hà Lan, Đức, Italia…
Năm 2023 và tháng 1/2024, Thụy Sỹ có xu hướng tăng nhập khẩu thủy sản từ các thị trường châu Âu, giảm nhập khẩu từ các thị trường ngoài châu Âu.
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Thụy Sỹ trong tháng 1/2024 với giá trị đạt 5,1 triệu USD, giảm 38,1% so với tháng 1/2023. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thụy Sỹ giảm từ 8,4% trong năm 2023 xuống còn 7,3% trong tháng 1/2024. Trong đó, thị phần các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam như tôm các loại, cá tra đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của Thụy Sỹ.
Cơ chế quản lý nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng thủy sản nhập khẩu của Thụy Sỹ tương đồng với những quy định của EU. Nhập khẩu các mặt hàng thủy sản không bị áp dụng hạn ngạch và thuế nhập khẩu phần lớn các loại thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến của Thụy Sỹ là 0%.
Tuy nhiên, cũng như EU, Thụy Sỹ cho rằng, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề toàn cầu, đe dọa hệ sinh thái biển và hoạt động đánh bắt bền vững. Tại Thụy Sỹ và Pháp, lệnh kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm hải sản nhập khẩu (pháp lệnh IUU) có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 1/3/2017.
Hồng Thắm