Tại sao lại có nước xả thải hạt nhân của Nhật Bản tại Fukushima?
Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử. Hậu quả khiến 15.899 người thiệt mạng; 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết, trên 6.000 người bị thương và nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ.
Đặc biệt, trận động đất đã tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa nghiêm trọng.
Nó đã biến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ, cho đến ngày nay nhiều nơi 10 năm sau con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại.
Để ngăn chặn thảm họa tiếp theo, các công nhân đã bơm nước vào các lò phản ứng để làm mát nhiên liệu nóng chảy khiến nước đó nhanh chóng bị ô nhiễm hạt nhân nặng.
Các lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima hiện không còn hoạt động nhưng chúng vẫn cần được làm mát, đó là lý do tại sao nước thải tiếp tục tích tụ. Trong những năm kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, nước ngầm cũng đã thấm vào khu vực này và một phần cũng bị ô nhiễm.
Xử lý lượng nước phóng xạ này là một thách thức kỹ thuật lớn đối với chính phủ Nhật Bản. Theo các nhà chức trách của quốc gia, hiện tại có khoảng 1,3 triệu tấn nước thải ô nhiễm hạt nhân đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa. Các bể này đã gần hết chỗ chứa vì vậy nước cần được xả ra.
Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển
Nhật Bản tiến hành đợt xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương đầu tiên, trong bối cảnh nhận nhiều phản ứng từ các nước láng giềng và ngư dân.
Vào 13h (11h giờ Hà Nội), Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng một km ra biển. Đơn vị vận hành nhà máy là Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), thực hiện hoạt động này khi điều kiện biển và thời tiết không có biến động.
TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm nay. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.
Các giám sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có mặt tại nhà máy thực hiện các thủ tục liên quan. Nhân viên TEPCO lấy mẫu nước và cá sau đó để phân tích, dự kiến công bố kết quả “sớm nhất vào ngày mai”.
Kế hoạch xả thải của Nhật Bản vấp phải phản đối từ phía các nghiệp đoàn đánh cá nước này, cũng như các láng giềng như Trung Quốc hay phe đối lập Hàn Quốc.
Sau khi Thủ tướng Fumio Kishida thông báo ấn định ngày bắt đầu xả thải, Trung Quốc đã triệu Đại sứ Nhật để “giao thiệp nghiêm khắc” và cảnh báo Bắc Kinh sẽ “triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân”.
Đại sứ Nhật Hideo Tarumi cảm thấy tiếc trước lập trường của Trung Quốc, nhưng khẳng định Tokyo sẵn sàng duy trì liên lạc với Bắc Kinh ngay cả sau khi xả thải.
Phản ứng của các nước láng giềng?
Sự kiện Nhật Bản bắt đầu xả 1,3 triệu nước thải hạt nhân đã qua xử lý khiến thế giới lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra khi nó có thể để lại hậu quả lâu dài. Một số quốc gia láng giềng của xứ sở mặt trời mọc đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại chương trình này của Nhật Bản. Ngày 24/8, ngay khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý ra biển, quốc gia ngay lập tức đã gặp phải một số hạn chế thương mại. Điển hình như Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thủy hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Dự án xả nước thải hạt nhân đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Tháng 7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã phê duyệt kế hoạch xả thải và nó sẽ được thực hiện từ hôm nay ngày 24/8, nếu điều kiện thời tiết và biển cho phép.
Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) bày tỏ quan ngại trong một thông cáo báo chí vào ngày 22/8, Chính phủ Nhật Bản đã chọn một giải pháp có thể dẫn đến sai lầm, việc xả nước thải hạt nhân có thể gây ô nhiễm phóng xạ trong môi trường biển nhiều thập kỷ, đặc biệt thời điểm các đại dương trên thế giới đang phải chịu nhiều áp lực do biến đổi khí hậu.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin cũng đã lên tiếng: “Đại dương là tài sản của nhân loại, không phải là nơi Nhật Bản có thể tự do xả nước thải bị ô nhiễm”.
Tại Họp báo thường kỳ Quý II/2023, đại diện của Bộ KH&CN vào ngày 19/7, ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, để xử lý lượng nước thải tồn động trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từ tháng 4/2021, kế hoạch xả thải của Nhật Bản đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cùng với các chuyên gia hàng đầu về an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận đến từ 11 quốc gia.
Kết luận kế hoạch của Nhật Bản về việc xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
“Theo kết quả đánh giá của IAEA, nồng độ của tác nhân phóng xạ có trong nước ở khoảng cách 30 km so với vị trí dự kiến xả thải có mật độ trong dải từ 10-6 đến 10-10Bq/l (becquerel/lít)”, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết. “Đây là tỷ lệ rất nhỏ so với nồng độ phóng xạ tự nhiên trong nước biển”.
Được biết, ở điều kiện bình thường, nước biển cũng đã tồn tại nồng độ phóng xạ tự nhiên, nằm trong dải 0,1-1Bq/l, và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển.
Mức này cũng đã được quy định tại Thông tư số 19/2021/TT-BKHCN ký ngày 8/11/2012 của Bộ trưởng KHCN, bao gồm quy định về Kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp.
Việc cấm nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nhật Bản và cơ hội của ngành thuỷ hải sản Việt Nam
Trung Quốc tuyên bố cấm tất cả hải sản từ Nhật Bản để đáp trả quyết định của Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Động thái này có thể gây tổn thương lớn cho các nhà xuất khẩu hải sản của Nhật Bản và làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã xấu giữa hai nước
Khó khăn của ngành đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản Nhật Bản
Ngành đánh bắt cá của Nhật bản đang gặp nhiều rắc rối khi giá giảm và sự bất ổn ngày càng tăng khi chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm biển của nước này để đáp lại quyết định xả nước thải từ cơ sở hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Theo thống kê thương mại của chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thuỷ sản Nhật Bản với kim ngạch 87,1 tỷ yen (600 triệu USD) vào năm ngoái. Trong số này, các sản phẩm phổ biến nhất gồm sò điệp, cá ngừ, nhím biển, cá hồng và hải sâm.
Giá cá ngừ Aomori tươi tại chợ Toyosu ngày 25/8 đã giảm 24% so với hôm trước xuống còn 9.383 yen/kg, theo dữ liệu đăng trên trang web chợ bán buôn trung tâm thủ đô Tokyo. Một công ty ở Hokkaido chuyên xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc và Hong Kong có kế hoạch đóng cửa và sa thải 20 nhân viên, theo một nhân viên yêu cầu giấu tên.
Phản ứng của Trung Quốc cho thấy sự lo lắng của công chúng, mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết động thái của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và tác động không đáng kể đến con người và môi trường.
Gen Komori, chủ tịch của Housen, một công ty thương mại chuyện về các sản phẩm thuỷ sản có trụ sở tại Tokyo, cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị cắt đứt. Công ty phải chuyển sự chú ý sang châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á.
“Thật khó khăn nhưng chúng tôi phải cố gắng”, ông nói. “Các công ty chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều”.
Đại diện của Hashiguchi Suisan, công ty nuôi và chế biến cá ngừ đuôi vàng và cá ngừ ở tỉnh Nagasaki, cho biết công ty xuất khẩu khoảng 1/10 tổng khối lượng sang Trung Quốc và những động thái mới nhất sẽ khiến doanh thu của công ty giảm hàng trăm triệu yen. Ông hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét chính sách hỗ trợ cho ngư dân về việc bảo trì và các chi phí khác liên quan đến lưu trữ cá.
Thực tế, xuất khẩu cá tươi từ Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm từ tháng 7 khi Trung Quốc thắt chặt các tiêu chuẩn kiểm tra. Nhưng lần này, các sản phẩm đông lạnh và sản phẩm chế biến cũng bị cắt khỏi thị trường rộng lớn Trung Quốc.
“Sản phẩm xuất sang Trung Quốc phải bán trong nước hoặc sang các nước khác như Thái Lan, Việt Nam, Singapore”, nhà phân tích thuỷ sản Momoo Odaira cho biết. “Khi cạnh tranh ở các nước khác ngày càng gay gắt, giá có thể sẽ giảm”.
Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh, trong đó có Fukushima nhưng sau đó đã mở rộng thành cấm vận hoàn toàn sau khi Công ty Điện lực Tokyo bắt đầu xả nước đã qua xử lý từ Fukushima trong tuần này.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, tại một cuộc họp báo, đã kêu gọi Trung Quốc lập tức dỡ bỏ lệnh cấm vận và nói rằng chính phủ Nhật Bản nên nghiêm túc xem xét các biện pháp cứu trợ có thể thực hiện cho ngư dân.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc và Hong Kong chỉ chiếm 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản và “tác động rất hạn chế đến xuất khẩu và nền kinh tế của Nhật Bản”. Tuy nhiên, nếu các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với Nhật Bản mở rộng sang các lĩnh vực khác, nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu đòn nặng nề hơn.
Theo Viện nghiên cứu Denwa, một nửa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Nhật Bản là sang Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Ngư dân sẽ mất 50% doanh số ở nước ngoài.
cơ hội của ngành thuỷ hải sản Việt Nam
Trung Quốc (Trung Quốc đại lục và Hồng Kông) hiện là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay với kim ngạch nhập khẩu đạt 716 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Hiện có 7 sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết và cá tra.
Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch đạt 338 triệu USD (chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong 7 tháng đầu năm nay. Hơn 90% khối lượng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là sản phẩm đông lạnh.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành hàng thuỷ sản, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành thuỷ sản Việt Nam nhưng mức độ tác động có thể sẽ “không quá lớn” do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều sự khác biệt.
Tôm được kỳ vọng là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện này khi các loại thuỷ sản giáp xác của Nhật Bản vắng bóng trên thị trường sẽ kích thích người tiêu dùng Trung Quốc tìm đến các sản phẩm thay thế của những quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.
Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, lượng tôm nước ấm được Trung Quốc nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 502.600 tấn với kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, tăng 49% về khối lượng và tăng 29% về mặt giá trị. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc vẫn ở mức cao bất chấp nền kinh tế nước này đang đối mặt nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia ngành hàng thuỷ sản, hiện giá tôm đã chạm đáy và nguồn cung tôm từ nhiều nước sản xuất chính trên thế giới suy giảm; trong khi đó, thị trường đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm – mùa cao điểm tiêu thụ tôm nói riêng và các loại thuỷ sản nói chung. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng cường mua tôm. Bên cạnh đó, các mặt hàng chế biến sâu – vốn là thế mạnh của sản phẩm tôm Việt Nam – thường có xu hướng được tiêu thụ tốt hơn trong mùa lễ hội.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam từ năm 2020 đến nay với tốc độ tăng trưởng cao. Sau giai đoạn liên tục giảm từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường Trung Quốc đã dần ổn định nhưng vẫn ở mức thấp.
Theo dữ liệu của SSI Research, giá cá tra xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 2 USD/kg, so với mức 2,5 USD/kg của cả năm 2022.
Hiện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Tuỷ sản Việt Nam dự báo kể từ tháng 8 trở đi đến cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam của Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh và các dịp lễ hội cuối năm.
Trên thị trường chứng khoán, phản ứng trước thông tin Trung Quốc dừng nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản, nhóm cổ phiếu thuỷ sản đã tăng “nóng” với nhiều mã cổ phiếu có lúc tăng kịch biên độ trong phiên giao dịch.
Đóng cửa thị trường ngày 25/8, ở nhóm cổ phiếu cá tra, cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt tăng 4,8% và cổ phiếu IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I tăng 6,8%. Ở nhóm cổ phiếu tôm, cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group tăng 3,9% và cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta tăng 2,2%.